Bến Thủy xa xưa là một địa bàn khá rộng lớn, bao gồm phần đất của phường Bến Thủy, phường Trường Thi, phường Trung Đô của TP Vinh ngày nay. Bến Thủy những năm 30 của thế kỷ 20 đã trở thành một khu công nghiệp lớn của Trung Kỳ. Nơi đây, chính quyền thực dân đã xây dựng 7 nhà máy tập trung hơn 7.000 công nhân. Một số nhà máy lớn như: Nhà máy Sửa chữa xe lửa Trường Thi có 3.700 công nhân; Nhà máy Diêm có 400 công nhân; nơi ít nhất như Nhà máy Đèn cũng có hơn 100 công nhân...
Theo các tài liệu từ Ban Quản lý Di tích Nghệ An còn lưu giữ, thời Pháp thuộc, địa bàn Bến Thủy được gọi là Yên Dũng Hạ, Đệ Thập; sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 gọi là xã Hưng Thủy; từ năm 1982 đến nay gọi là phường Bến Thủy. Tại Bến Thủy có địa điểm Cồn Mô, là một vùng đất cao, cây cối rậm rạp, xanh tốt, làng lũy bao bọc nên thuận lợi cho việc họp hành, sinh hoạt của các đảng viên trong những năm 1930-1931.
    |
 |
Di tích lịch sử Cồn Mô (TP Vinh, tỉnh Nghệ An). |
Theo sử sách ghi lại, từ đầu năm 1930, dưới sự lãnh đạo của các cấp bộ đảng, phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân, nông dân và quần chúng lao động Vinh-Bến Thủy diễn ra hết sức mạnh mẽ. Chiều 15-1-1930, hơn 300 công nhân các nhà máy cùng nông dân Yên Dũng Hạ, Đệ Thập tập trung tại Cồn Mô mít tinh do đồng chí Lê Mao chỉ đạo. Ngày 20-1-1930, cuộc mít tinh diễn thuyết lần thứ hai diễn ra tại Cồn Mô gồm 700 người tham gia do đồng chí Nguyễn Phong Sắc chỉ đạo. Tiếp đó là các cuộc mít tinh, biểu tình của công nhân buộc chủ nhà máy phải giải quyết một số yêu sách như: Giảm giờ làm, bỏ đánh đập công nhân, bảo đảm chế độ tai nạn lao động, giảm sưu thuế, trả lại ruộng đất về tay dân cày... Để ủng hộ công nhân các nhà máy đình công, tại Cồn Mô đã liên tục diễn ra các cuộc mít tinh, hội họp của quần chúng, vạch trần tội ác của bọn thực dân, đế quốc.
Ngày 15-4-1930, tại Cồn Mô diễn ra cuộc họp của Tỉnh ủy Vinh-Bến Thủy gồm các đồng chí: Lê Mao, Lê Viết Thuật, Nguyễn Lợi, Nguyễn Phúc, Nguyễn Viết Lục, Lê Doãn Sửu... Đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ về dự hội nghị bàn về việc phát động cuộc biểu tình vào Ngày Quốc tế Lao động 1-5-1930. Cũng tại đây, Xứ ủy Trung Kỳ và Tỉnh ủy Vinh-Bến Thủy có nhiều cuộc họp bàn lãnh đạo, chỉ đạo Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931.
Ngày nay, về Bến Thủy, ngoài di tích Cồn Mô, địa phương còn lưu giữ được nhiều di tích gắn với Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh như: Nhà thờ họ Nguyễn Duy ở Bến Thủy là nơi làm việc của Xứ ủy Trung Kỳ của các đồng chí: Nguyễn Phong Sắc, Chu Văn Biên, Mai Trọng Tấn; cầu cảng Bến Thủy-nơi đồng chí Lê Mao hy sinh; Ngã ba Bến Thủy-nơi tập trung của công nhân, nông dân Vinh-Bến Thủy đấu tranh, biểu tình trong Ngày Quốc tế Lao động 1-5-1930; mương tiêu số 3, phường Bến Thủy-nơi đồng chí Lê Viết Thuật trú và làm việc năm 1931.
Trong nắng vàng mùa thu, Bến Thủy rợp cờ hoa, tưng bừng kỷ niệm 92 năm Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Nhân dân phường Bến Thủy có truyền thống can trường, bất khuất trong đấu tranh đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc; cần cù, chịu khó, sáng tạo trong lao động sản xuất, phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu mạnh. Với lợi thế địa bàn rộng, dân cư đông đúc, có Trường Đại học Vinh, chợ khu vực và nhiều cơ quan, xí nghiệp đóng trên địa bàn, Bến Thủy đang là một vùng kinh tế năng động, chú trọng phát triển thương mại-dịch vụ, tạo điều kiện cho các hộ gia đình, các doanh nghiệp trên địa bàn phát triển sản xuất, kinh doanh.
Tại di tích Cồn Mô, đài tưởng niệm có biểu tượng cánh buồm với ý nghĩa đưa con thuyền cách mạng tiến lên thắng lợi, mặt trước có hình trống Xô viết tượng trưng cho vũ khí đấu tranh của công nhân, nông dân Vinh-Bến Thủy. Vào các ngày lễ lớn trong năm, chính quyền và nhân dân thường đến đây tổ chức dâng hoa, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và nhân dân đã hy sinh. Trải qua các thời kỳ lịch sử, Cồn Mô-Bến Thủy chẳng những là vùng danh thắng non nước hữu tình, là nơi có vị trí trọng trấn chiến lược hàng đầu trên mảnh đất xứ Nghệ mà còn là “địa chỉ đỏ” sáng ngời trong trang sử đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc.
Bài và ảnh: HOÀNG HOA LÊ