Trước nhà truyền thống sư đoàn, vẫn còn đó cây chò chỉ cao vút, tán lá xum xuê in trên nền trời xanh. Hôm đó đứng dưới gốc chò này, Thiếu tướng Nguyễn Chuông kể cho tôi nghe câu chuyện cảm động, ngày Đại tướng Khăm-tày Xi-phăn-đon, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, sau này là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào về thăm đơn vị tháng 4-1976.
Mấy ngày trước khi đoàn khách nước bạn Lào đến, Thiếu tướng Nguyễn Hòa (sau này là Trung tướng), Tư lệnh Quân đoàn 1 đã gọi điện căn dặn tôi tổ chức đón tiếp đoàn cho thật tình cảm, nhưng phải chính quy, không được luộm thuộm. Cả đơn vị náo nức chuẩn bị. 8 giờ sáng hôm ấy đoàn đến, có cả Trung tướng Lê Trọng Tấn (sau này là Đại tướng) và Thiếu tướng Nguyễn Hòa cùng đi. Toàn đơn vị đã xếp hàng rất nghiêm chỉnh, súng ống sáng loáng, có cả một đội danh dự đâu ra đấy. Tôi hô nghiêm, rồi chạy đến trước mặt Đại tướng Khăm-tày Xi-phăn-đon chào, báo cáo, chúc sức khỏe, rất chính quy. Nhưng nói chưa dứt câu cuối thì Đại tướng đã bước nhanh tới ôm chặt lấy tôi. Thế là cán bộ, chiến sĩ vỗ tay ran ran như pháo nổ. Quá xúc động, song tôi vẫn nhớ công việc tiếp theo là dẫn Đại tướng đi duyệt Đội danh dự, rồi vào nhà khách. Đại tướng nói tiếng Việt khá chuẩn, vui vẻ nhắc lại những năm tháng Sư đoàn 312 sát cánh cùng quân dân các bộ tộc Lào chống kẻ thù chung, đặc biệt nhớ trận đập tan “cánh cửa thép” do tôi chỉ huy mở cửa vào Cánh Đồng Chum.
Thiếu tướng Nguyễn Chuông.
Trận đó quả là một kỷ niệm chiến trường không quên đối với tôi. Đông xuân 1971-1972, bộ đội bạn phối hợp với Quân tình nguyện Việt Nam mở chiến dịch tấn công giải phóng cao nguyên Cánh Đồng Chum. Đồng chí Lê Trọng Tấn, Phó tổng Tham mưu trưởng được lãnh đạo hai nước giao làm Tư lệnh trưởng Liên quân Việt-Lào. Sư đoàn 312 do đồng chí Lã Thái Hòa làm Sư đoàn trưởng đảm nhiệm hướng tấn công chủ yếu của chiến dịch, đột phá cụm cứ điểm Phu Tâng, Phu Tôn. Đặc biệt cao điểm Phu Tâng hoàn toàn khống chế đường vào Cánh Đồng Chum, địch bố trí hỏa lực rất mạnh, được gọi là “cánh cửa thép”. Sư đoàn giao Trung đoàn 165 do tôi làm Trung đoàn trưởng đánh trận mở màn. Tôi và Chính ủy Trường Quân cùng đi thị sát địa hình. Tôi người bé nhỏ hơn anh Quân nhưng lại hay nói to, khi không vừa lòng với ai tôi nói thẳng, không giữ ý tứ gì. Tuy vậy anh em lại thích cái tính thẳng, không vòng vèo và không giận ai lâu của tôi. Người hiểu và thông cảm với tôi hơn cả là Chính ủy Trường Quân. Khi nhận nhiệm vụ đánh trận mở màn, hai chúng tôi đều ngày đêm suy nghĩ, lo lắng, nom râu anh mọc lởm chởm, mặt hốc hác mà thấy thương. Tính cách của hai chúng tôi chính là chỗ dựa cho nhau, bổ khuyết cho nhau để khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ. Sau khi bàn bạc kỹ trong ban chỉ huy, chúng tôi thống nhất cách đánh là tận dụng hai hình thức vây lấn, tiêu hao sinh lực địch rồi dùng hỏa lực tấn công dứt điểm. Khi nghe tôi trình bày cách đánh, Tư lệnh Lê Trọng Tấn ngồi yên, mỉm cười tỏ ý đồng tình, cuối cùng ông hỏi còn cần gì nữa không? Tôi xin chi viện thêm pháo cối 120mm. Ông nói ngay: “Đồng ý, tăng cường một tiểu đoàn pháo và 2.000 quả đạn. Cho mình gửi lời thăm tới cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 165 và các cậu cũng phải giữ gìn sức khỏe, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ!”. Kết quả là, trong hai ngày đêm liên tục công kích, chúng tôi đã hoàn toàn xóa sổ cứ điểm Phu Tâng, mở toang “cánh cửa thép” cho quân ta tiến vào giải phóng Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng…
Thú thật là sau cuộc đón tiếp Đại tướng Khăm-tày Xi-phăn-đon thì tôi chẳng còn phân biệt được ranh giới giữa “tình cảm” và “chính quy”, hay nó đã nhập làm một rồi. Khi vào nhà truyền thống, Đại tướng vừa chăm chú xem các hiện vật, vừa kể lại những kỷ niệm sâu sắc của ông với Quân tình nguyện Việt Nam, có lúc ông lặng người vì xúc động, có lúc ông lại cười vang vì một chuyện vui ở chiến trường. Ra khỏi phòng truyền thống, tôi mời Đại tướng trồng cây lưu niệm. Vừa xúc đất màu đổ vào gốc cây non, Đại tướng hỏi tôi cây gì? Nghe tôi giới thiệu đây là giống chò chỉ mọc trên đất cổ Phong Châu, nơi phát tích của các Vua Hùng thời dựng nước và đã được đưa về Thủ đô trồng hai bên con đường chạy qua Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông tỏ ý rất vui.
Đến bữa tiệc liên hoan thì dường như là bữa cơm gia đình, không còn phân biệt chủ khách nữa. Vừa ngồi vào bàn, hai vị tướng của bạn rỉ tai tôi: Anh bảo chiến sĩ cho cái chiếu, ta rải xuống nền nhà kia, thú vị hơn ngồi bàn đấy. Tôi đang lưỡng lự thì đồng chí khác lại nói tiếp: “Để nhớ ngày ở Cánh Đồng Chum, chúng ta vẫn ngồi dưới đất với nhau, dễ ăn hơn, phải không đồng chí Chuông?”. Đã thân tình như vậy thì tôi không thể làm khác. Thế là chiếu được rải, các vị ở bàn khác thấy thế cũng làm theo. Cứ tưởng mâm có Đại tướng Khăm-tày Xi-phăn-đon và Phó tổng Tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn vẫn phải “chính quy” như lúc vào, nào ngờ các “cụ” cũng mau chóng dẹp bàn ghế, ngồi xếp bằng cả trên chiếu. Thức ăn có mấy món đặc sản của hai nước, các bạn Lào bảo tôi: “Các đồng chí ăn kiểu Lào, chúng tôi ăn kiểu Việt nhé, để sau này mãi không quên nhau”. Chúc tụng râm ran được một lúc, bỗng có một bạn Lào đưa cốc rượu lên trước mặt tôi, nói: “Chúc Sư đoàn trưởng Nguyễn Chuông xin để sau. Cốc này tôi chúc Trung đoàn trưởng Khăm Thúc (tên bạn đặt cho tôi hồi ở Cánh Đồng Chum). Khăm Thúc à! Tôi biết đồng chí đã ba lần đưa Quân tình nguyện Việt Nam sang sát cánh cùng chúng tôi đánh kẻ thù chung. Lần thứ nhất chống Pháp ở Sầm Nưa, năm 1952, khi ấy đồng chí là đại đội trưởng. Hai lần sau ở Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng thời chống Mỹ, đồng chí là trung đoàn trưởng. Bộ đội Pa-thét Lào ai cũng biết đồng chí. Bà con ở Bản Ban, Nậm Tiền, Nậm Mật vẫn nhớ đồng chí. Tôi thì khoái cái trận Trung đoàn trưởng Khăm Thúc mở “cánh cửa thép” vào Cánh Đồng Chum. Hãy cạn chén mừng lần nữa sự kiện trên!”. Tôi cũng xúc động quá, nói: Đồng chí cho tôi gửi lời chúc sức khỏe tới các đồng chí, bà con ở U Đuôn, nơi đơn vị tôi xuất phát đánh trận cửa mở, những người bạn đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều, như: Dong Diêng, A Dốc, Bu Điêng, Sen Mán, Si Phon…
Đại tướng Khăm-tày Xi-phăn-đon duyệt Đội danh dự Sư đoàn 312 trong lần đến thăm đơn vị, tháng 4-1976. Ảnh tư liệu
Câu chuyện Sư đoàn trưởng Nguyễn Chuông kể hôm ấy còn in đậm trong tâm trí tôi hôm nay. Ngày hai chúng tôi đứng dưới gốc chò chỉ, cây mới 20 tuổi, giờ nó đã ở tuổi 40. Tướng Nguyễn Chuông là hình mẫu của người nông dân mặc áo lính, trưởng thành trong chiến đấu bằng sự dũng cảm, mưu trí cộng với đức tính thẳng thắn, chân tình, ham học hỏi. Năm 16 tuổi, khi trốn nhà đi bộ đội, ông còn chưa biết đọc, biết viết. Vừa chiến đấu vừa tự học văn hóa, ông học hết cấp hai bổ túc. Ông có mặt trong nhiều chiến dịch lớn nhỏ suốt hai cuộc kháng chiến, đi lên từ tiểu đội trưởng đến trung đoàn trưởng, sư đoàn trưởng, phó tư lệnh Quân khu 2. Khi nghỉ hưu ông còn viết sách, kể lại cuộc đời chinh chiến sôi nổi, vào sinh ra tử của mình. Ông từ trần ngày 23-3-2006 tại Hà Nội, hưởng thọ 80 tuổi.
Giờ trông cây lại nhớ đến người. Hẳn hồn ông vẫn thường thăm lại chiến trường xưa, nơi ông từng ba lần dẫn Quân tình nguyện Việt Nam sang sát cánh chiến đấu cùng các bạn Lào, làm sâu đậm thêm mối tình đặc biệt trong sáng, thủy chung giữa hai dân tộc cùng dựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ.
PHẠM QUANG ĐẨU